"Ở đời, có gì là thú nhất, mà lương thiện?
Sai à? Bạn có thể ngồi vào bàn ăn sau những lời mời thiết tha được không khi bụng ậm ạch tưởng chừng dạ dày đang lấn hết chỗ của gan phổi và xương cụt như bị nén cho chồn hẳn lại. Hẳn nhiên, khao khát lớn lao nhất, duy nhất, chi phối toàn bộ năng lực tư duy của bạn lúc đó phải là tìm nơi tự giải phóng mình lập tức. Cái đau đớn nếu có vào lúc ấy cũng là một khoái cảm huy hoàng.
Cái thú đó, cái khoái cảm đó hiển hiện, không hề của riêng ai. Thế mà nhiều năm tháng, nhiều đời người kế tiếp chẳng được nhòm nhỏ tới.
Bây giờ vẫy vùng ở chung cư đời mới, biệt thự, trang trại, cái thú đó mới được thỏa mãn dễ dàng. Nhưng được bao nhiêu người hân hoan vì hưởng thú này nhỉ?
Đừng đổ tội cho thời bao cấp vội. Tôi nghĩ chuyện thiếu trạm luân chuyển ngũ cốc tử tế là chuyện của nhiều đời người Việt từ trước đó. Chẳng qua cũng tội tại một chữ “nghèo”. Nghèo, nên mới phải giắt lưng từ bé những lời chỉ dạy sống sao cho phải. “Ăn hết nhiều chứ ở hết mấy, thêm bát thêm đũa chứ không thêm mâm, miếng ăn miếng nhục, ăn trông nồi…” Nghèo, bao nhiêu toan lo dồn lại đầu vào trong hai chữ đủ ăn, sức nào nghĩ chuyện đầu ra nữa. Tôi tin rằng, cùng sự thay đổi điều kiện kinh tế, những câu như thế này sẽ dần biến mất khỏi kí ức cộng đồng. Nhưng đến bao giờ?
Cũng vì nghĩ ăn hết nhiều ở hết mấy mà, cứ đi thử mà xem, rất ít nơi chốn trên đất nước Việt Nam, cái chốn để hưởng khoái cảm huy hoàng là ị được để tâm xây dựng.
Quê tôi, cửa ngõ Thủ đô, nơi xa gần thế nào cũng có người biết vì cuối huyện là chùa Hương Tích, điểm hành hương mỗi độ xuân về. Mà cứ như tôi nhớ thì chẳng mấy nhà có một nhà vệ sinh theo đúng nghĩa. Thế nên ai có là nổi danh. Ví như một nhà đất rộng, nhiều ao, làm cái cầu tre vắt vẻo ở cái ao tít cuối vườn và quây lại bằng lá chuối khô lướp tướp làm chỗ buồn vui, thế là chết danh ông Lâm Bõm. Còn thì dân làng có cái thú sau thú quận công. Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng. Là dân thành phố về quê sơ tán, buổi đầu tôi không sao hiểu nổi làm thế nào người ta có thể nhịn mà chạy thốc cả cây số ra đồng. Sau thì hiểu, lại còn bị bọn trẻ cùng làng quyến rũ hưởng cái thú này. Đi học về, ăn chập ăn chuội là bổ qua nhà hàng xóm, theo nó đi bò. Nhà có làm nông đâu, mà bà tôi chiều, xin đâu được mấy mảnh xương bò, mua cho hai cái sọt nhỏ, chỉ việc bẻ đôi ba lá dong riềng lót đáy, thế là đủ lệ bộ của dân Cổ Nhuế một thời, sẵn sàng, trước kết quả dị hóa của loài nhai lại. Rồi đấy, nếu bụng có băn khoăn thảng thốt điều gì, tìm chỗ xa xa mà ghé xuống. Có lần tôi theo đứa bạn chui vào ruộng ngô nhà nó, thấy nó chổng mông không quần, chẳng lo ị, mà loay hoay nhặt nhạnh phân đạm chưa tan hết từ gốc ngô này bón sang gốc ngô kia, vừa làm vừa lảu bảu y như một bà già. Nó lại còn hái cho tôi một mớ quả đậu xanh trồng xen ngô, còn non, đang lên hạt, dặn về hấp cơm ngon lắm. Sau này, đôi lúc dừng giữa một trang sách ở chốn “công cộng” ngoài thành phố, những thân dáng gương mặt một thời lại trở về. Đứa bạn. Bà cụ dọn xong bếp núc tranh thủ ra đồng, vừa là để hưởng thú gần bằng thú quận công, vừa là để đảo qua ruộng rau mới cấy, đôi bắp chân còn dính vệt bùn mượt ở ruộng cần. Ông già hàng xóm về oang oang từ đầu ngõ khoe nhặt được trứng vịt ở bờ ruộng lúc đi ị. Tinh thần tham công tiếc việc này đã mang lại nội hàm mới cho một hành động tầm thường. Người quê tôi thay vì nói “đi ị” lại nói đi đồng. Bây giờ, nhiều người trẻ đã xây nhà kiểu phố giữa làng, nhưng ông già bà cả vẫn ưa chuyện ra đồng hưởng thú gió mơn mông và nhân thể nhúc nhắc đôi ba việc. Bạn thân mến, chưa từng sống qua không thể hiểu đời sống giản đơn tuyệt diệu đến mức nào, tuổi nhỏ thần tiên đến độ nào nếu có chút hương đồng gió nội cỏ rơm sông nước để mà thương nhớ. Biết nhớ chẳng hẳn lúc nào cũng là gánh nặng, và không cần chọn lựa không gian thời gian đâu.
Ở Hà Nội, trước khi nhà lắp ghép xuất hiện, trừ những khu tập thể nhà cấp thấp do các cơ quan xây dựng tạm, có mấy khu tập thể cũng phải tính là hoành tráng. “Quân khu Nam Đồng”, các gia đình bộ đội quần tụ. Khu tập thể nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà bang Cò ị, cũng khá nổi tiếng. Khu Kim Liên buổi đầu dành cho cán bộ nhỡ nhỡ. Khu tập thể đại học Dược, đại học Y, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ở dốc Thọ Lão. Khác nhau về dân trí, nhưng giống hệt nhau ở chỗ khu tập thể nào cũng chỉ có nhà vệ sinh công cộng. Đây đích thị là nơi mà mọi tưởng tượng về một xã hội bình quyền phải hướng tới. Ông trưởng khoa một đại học danh tiếng sẽ phải gặp bà cấp dưỡng của trường ở chốn này. Và liệu liệu, nếu ông lại vì một ý tưởng khoa học nào lơ đễnh không dọn sạch mặt bằng cảm khoái, thì ông chết với bà.
Giả dụ những nhà tập thể giữ nguyên mẫu như từ những trang văn học Xô-viết ra thì có lẽ cũng được. Dăm ba gia đình dùng chung dăm ba nhà vệ sinh, sạch sẽ và vui vẻ. Đấy là kinh nghiệm của tôi hồi còn bé tí. Cả hành lang tập thể thênh thang sau chiến tranh đánh phá chỉ loáng thoáng đôi ba người, phần lớn độc thân, nhà vệ sinh công cộng thành nơi chất củi cho các gia đình. Nhưng chẳng được bao ngày, người ùn về, quy mô của các gia đình phình, nỗi khổ hàng ngày bảnh mắt ra đã mục sở thị là phải chờ nhau trước cửa nhà vệ sinh công cộng, là chuyện mất nước, là chuyện bà lao công làm reo. Nỗi khổ đó thảm hại đến mức làm người ta không còn có thể thương nhau, chỉ muốn chèn lấn mà vượt trước và sẵn lòng nổi giận. Thảm hại hơn cả sự thảm hại đó, người ta đâm trơ ra, mất khả năng thẹn thùng. Để vượt nỗi thẹn thùng thê thảm này, nhiều quý vị đã phải tập một thói quen mà các nhà y học không thể nào dung thứ: đọc sách.
Dù sao thì đó cũng còn là nhà vệ sinh ở các khu tập thể cỡ. Phải đi tới những khu tập thể của các trường đại học thì mới hình dung hết sự khủng khiếp. Ví dụ trường đại học sư phạm Hà Nội I một thời. Cả mấy cái nhà bốn tầng đầy ự sinh viên của những mấy khoa, hàng ngày rồng rắn ra một dãy nhà xập xệ ngoài cánh đồng. Dân nội trú khoa tôi chiếm ngôi nhà cuối cùng trong dãy kí túc xá, được đánh dấu là A6, và, khác thói thích thi vị hóa cuộc đời bằng những hình dung từ long lanh hay thấy ở dân học Văn chương, gọi luôn trạm luân chuyển ngũ cốc là A7. Sau này, ngoài cánh đồng, nhà trường còn cho xây thêm dăm ba ngôi nhà đơn giản, bằng vốn của UNICEF hay theo thiết kế phổ biến của Unicef cho các công trình tài trợ ở mấy nước nghèo nghèo thì không biết, nhưng dân sư phạm thì gọi luôn là nhà Unicef, và đó là giảng đường của sinh viên chúng tôi khoa Văn, Toán, Tâm Lí mấy năm cuối. Buổi sáng tới giảng đường mà gặp mặt nam thanh nữ tú đi ngược lại ở đoạn đường khó nói đó là biết ngay chúng mày ở đâu ra: nhà vệ sinh công cộng. Khốn khổ cho tôi, dân Hà Nội học ngoại trú, đâu có biết cái tên gọi đơn giản của nơi chốn này, nên lần bảo vệ tốt nghiệp được 10 điểm được coi là sự kiện chấn động toàn khoa, vì trước đó mười mấy năm mới có điểm 10 như thế, nhận lời chúc của bạn bè rằng ảnh mày được treo cả trong A7, mặt thì ngơ ngác nhưng lòng vẫn thầm hơn hớn.
Đến thời Hà Nội tự hào vì hàng loạt khu lắp ghép ra đời, bi hài kịch này lại có một version khác. Nào phải về nơi khỉ ho cò gáy người sống chung cùng gia súc, thế mà vào nhiều nhà lắp ghép, biết ý mình muốn đi toilette, chủ nhà lại nhanh nhảu chạy ra mở cửa, cầm roi đuổi con lợn tạ vào một xó và trân trọng chuyển giao roi cho mình, chẳng nói cũng biết là roi ra roi, vì dùng để tác động vào bì lợn. Nhà khác thì chuồng gà ngự bên trên toilette, gà tí tách mổ nhằn ngay trên lưng. Trời ơi, cứ thử hình dung một mối tình đang chớm nở mà chàng nàng lại phải trao nhau roi chốn đó, thì mối tình đó sẽ nở tiếp ra sao? Mới đây, đọc Phế đô của Giả Bình Ao, lại gặp những chuyện xếp hàng tè ị, chẳng biết là Việt Nam hóa ở Tàu hay Tàu hóa ở ta. Chi tiết này thì Tàu đặc: một nhân vật trong đó, bà mẹ, khuyên con nên mua cái bô làm quà cưới cho bạn, rằng dùng chung nhau một cái bô là quan trọng lắm, là vợ chồng khó bỏ nhau lắm. Ừ, phải duyên thì có thể thế, nhưng nếu mới chỉ phải lòng mặt mà phải đối mặt với sự thảm hại cùng cực của đời sống, thì duyên bén làm sao!
Trở về với Mẹ ta thôi. Về với phố. Ô nhiễm môi trường ở phố cổ chẳng phải là chuyện tìm ra châu Mỹ thời nay. Qua lại nhà bạn bè ở khu phố đó mấy chục năm, tôi đã hứng chí viết hẳn một truyện ngắn: “Nhà ở phố”. Nhờ cái truyện này, và nhờ một đoạn tiểu thuyết có động chạm lại nỗi khổ tè ị, đi đâu tôi cũng hay được bạn đọc nhận là đồng hương phố. Này, nhưng mà tình thật, ở phố cổ còn sạch sẽ gấp vạn lần ở khu tập thể xuống cấp lúc cơ quan chủ quản buông không quản. Tưởng chuyện là của thời qua, về Việt Nam, lang thang qua những ngõ ngách phố phường, qua những khu tập thể cũ ních cứng người, rồi đọc báo hàng ngày trên mạng, mới biết bi hài kịch nhà vệ sinh công cộng vẫn đang tiếp diễn. Để ý mà xem, cứ nơi đâu quy mô đời sống cá nhân được nén kĩ hơn trong một chữ “riêng”, ở đó ngày sống còn đỡ đỡ.
Cứ cho là quá đà suy diễn, nhưng tôi vẫn tin rằng một trong những căn nguyên hun đúc tinh thần cam chịu và ý tứ thái quá của dân mình là do nhu cầu tè ị không được thỏa mãn một cách tự nhiên. Chứ còn gì nữa, kiềm chế được nhu cầu rất người này đòi hỏi nhiều ý chí.
Muốn hỏi: Đến bao giờ, người Việt mình ai cũng như ai được bình đẳng trong bữa ăn, trong chốn ị? Và thực hiện được nhu cầu rất con người của mình trong những điều kiện xứng đáng với con người?
Lê Minh Hà
6 nhận xét:
Ở SG hình như bị chặn tụi tôi không vào được trang này nên chưa đọc được hết bài.Tuy nhiên ở nhà tôi từ lâu rồi thì xung quanh cái bồn này luôn đầy đủ báo, tạp chí, sách truyện, điện thoại, kể cả kính bút giấy thuốc lá và gạt tàn. Cũng để bù lại cho những năm tháng khủng khiếp với cái WC của ký túc xá ở Láng. Không biết các ông sao chứ không nói khoác lâu lâu nó còn chen vào trong giấc mơ tới bây giờ.
Để khỏi bị "chặn", tôi post nguyên bài, anh em đọc chơi.
Cũng như Nghĩa hom qus Tôi k thể vào được.
Bây giờ cái đó khoái hơn ăn vì k sạch thì bị tra tấn sau khi làm việc thì N ta cứ nhẹ tênh.
Nhất là Tôi bị đại tràng nặng ngày phải đi 2-3 lần
Trang này của Phạm Thị Hoài ở hải ngoại.
Hóa ra bài viết cũng có đề cập đến cái vụ ị của sinh viên. Ngày xưa chịu không nổi, để dành tuần về nhà 2 lần, cái đại tràng chắc hư từ những ngày đó Nghiêm ơi.
Trời! ngày xưa ĐN phải để "dành" vậy sao. Xung quanh ký túc xá trường mình toàn ruộng rau mà không ra "cung ứng" luôn cho nông dân làng Láng. "Cái ị" của ký túc xá thi thôi rồi. Mỗi lần ra trộm hành về nấu mì là bọn tôi tranh thủ giải quyết luôn. Bây giờ ruộng rau chỗ đó chính là nơi cơ quan mình tọa.
vùa về nhà định làm 1 bài,nhưng lơ mơ quá,lại có giải ngoai hạng Anh . thôi để khi khác vậy
Đăng nhận xét