Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2008

MỘT KỶ NIỆM “NGHỊCH NGỢM” THỜI SINH VIÊN

Trước khu Kí túc xá trường ĐH Giao thông hồi đó có mấy bà, mấy chị ở Làng Cót như chị Móm, bà Dụ, hàng sáng hay ra bán hàng fục vụ bọn sinh viên chúng tôi, nào bánh cuốn, bánh rán lăn đường…(mà chuyện ăn sáng hồi đó là chuyện viễn tưởng đối với cánh sinh viên nội trú), còn hình thức thanh toán thì đủ kiểu : Tiền mặt, tem gạo tem bánh mì, khi không có những thứ đó, thì bằng bất cứ một vật gì có giá trị nào ( hình thức cầm đồ bây giờ còn gọi bằng “cụ” ) mà không cần sổ sách gì cả.

Một buổi sáng khi bọn tôi không còn tiền và không còn một thứ gì có giá trị cả, đang ngồi ngáp vặt chuẩn bị vào tự học thì D “loe” mặt tỉnh queo tay cầm một gói bọc giấy rất đẹp vào nói với cả bọn: hôm nay tao chiêu đãi cả bọn một bữa bánh cuốn “bét nhè”! cả bọn sung sướng bật dậy đi theo nó ra gánh bánh cuốn của chị “Móm” trước cổng trường. Hôm đó cả bọn hả hê được một bữa no nê, hết ăn bánh cuốn đến bánh rán thoải mái ăn, ăn xong nó còn ra vẻ rất “tinh tướng” thằng nào muốn ăn nữa xin mời cứ tiếp tục, nhưng xem chừng đã đủ cả bọn xin thôi. Lúc đó D“loe” nói với chị “Móm” hôm nay em chịu trách nhiệm thanh toán cho cả bọn, nó từ từ lấy ra cái gói lúc nãy ra với vẻ mặt quan trọng nó nói : Đây là 10 thước vải sa tanh Pháp, tối hôm qua em vừa đi nhận hộ “bà già” của họ hàng gửi từ Pháp về, chị cầm hộ mấy hôm nữa có tiền em sẽ ra thanh toán và lấy lại 10 thước vải này, nếu lâu không thanh toán thì chị cứ tự nhiên sử dụng, sau đó cậu mở he hé gói vải đó ra, mọi người thấy đó đúng là Satanh thật, chị “Móm” định thò tay sờ nó liền gạt tay ra và nói tay đầy mỡ sờ vào bẩn vải lấy gì mà đền (thời kỳ bao cấp mấy mét sa tanh đó cực kỳ có giá trị với chị em phụ nữ) cậu ta nói tiếp: cứ sáng đi bán hàng chị phải mang theo, để nếu có tiền em sẽ thanh toán, mất là không có để đền được đâu ? với ánh mắt nhìn gói vải một cách thèm thuồng, lúc đó chị “Móm” khấp khởi cầm gói vải nghĩ rằng chắc gì các cậu đã có tiền mà thanh toán, tôi sẽ được hưởng tấm vải này !!!... lập tức đồng ý ngay.

Suốt mấy hôm liền, cứ buổi sáng hàng ngày đi bán hàng, chị “Móm” mang theo cái gói “của nợ” đó, sau một thời gian không thấy D “loe” xuất hiện đả động gì, chị ta sốt ruột, hỏi thăm mọi người và chắc mẩm sẽ được “lĩnh trọn” tấm satanh. Đến một hôm không kiên trì được nữa, khi về nhà chị ta liền dở ra giật mình và sực hiểu mọi chuyện. Thì ra để đánh vào lòng tham của chị “Móm”, D “loe” đã lấy một tấm satanh dùng làm lót trong vali được là fẳng fiu trông rất tinh tươm, gói bọc ngoài mấy tấm vải vụn để làm vật thế chấp, làm giải pháp “tình thế” lúc đang đói. Hôm sau đến bán hàng chị ta tay cầm gói vải liền tru tréo cứ “trõ” mồm vào kí túc xá tặng cho mấy bài chửi và dọa báo cho nhà trường biết, cả bọn chúng tôi không thằng nào dám ló mặt, cứ ôm bụng cười, cười chảy nước mắt trong kí túc xá, cười chán nghĩ cũng thương chị ta và cử một “chiến sĩ” ra thương lượng nói rằng: mấy hôm nay thằng D “loe” bị ốm đi nằm viện khi nào nó về nó sẽ ra thanh toán. Cuối tuần đó, cả bọn sau khi về gia đình lên trường, anh em “lệ quyên” đủ tiền, hôm sau ra thanh toán cho chị “Móm” bánh cuốn và lại được tiếp một mẻ cười nữa. Chị “Móm” cười ngượng nghịu nhận lại tiền và nói yếu ớt: Các chú chỉ được cái đùa chị rai quá !!!.

Nghĩ lại, cuộc sống sinh viên thời đó tuy khổ, nghịch ngợm, tinh quái đúng với nghĩa “Nhất quỷ, Nhì ma, Thứ ba học trò” nhưng cũng đã để lại nhiều kỷ niệm vui, buồn và nhiều bài học cho cuộc sống trưởng thành sau này của từng cá nhân .

NQ Vinh

CHÀO ANH EM

Tôi là Đỗ Đình Nghĩa - cựu sinh viên lớp Cơ khí ô tô 13 Đại học Giao thông xin chào tất cả các anh chị và bạn bè ĐHGT.

Thấm thoát đã 30 năm K13 chúng ta tốt nghiệp. Chia tay nhau đi khắp mọi miền đất nước & giờ đây đã lớn tuổi hết cả, nếu không muốn đã già. Có người ở tận Sơn la, có người ở dưới Cà mau, có người hiện ở nước ngoài, các anh chị cán bộ đi học chắc đã có nhiều người nghỉ hưu...Rất mong mỏi qua địa chỉ này được gặp gỡ & nhận thông tin về nhau,ôn lại những kỷ niệm xưa & động viên nhau trong cuộc sống.

Xin chào & chúc một năm mới sức khoẻ cùng mọi sự tốt lành!

Đỗ Đình Nghĩa

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

Cả rùa lẫn thỏ đều... luẩn quẩn!

Tắc đường (hay còn gọi là kẹt xe) đã và đang là một trong những vấn đề lớn của đô thị hiện đại làm đau đầu các cơ quan chức năng. Các cấp chính quyền đã đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng với sự gia tăng quá nhanh về mặt số lượng của các phương tiện giao thông cá nhân và sự phát triển quá chậm của cơ sở hạ tầng như hiện nay thì những giải pháp ấy chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự lộn xộn, nhốn nháo, mạnh ai người nấy lấn của tất cả các loại phương tiện đang lưu thông. Một thứ văn hóa chen lấn, đối phó hình thành và ăn sâu vào tiềm thức biểu hiện ngay cả khi tham gia giao thông. Người ta sẵn sàng lấn sang phần đường của xe đi ngược chiều; trèo lên vỉa hè dành cho người đi bộ, thậm chí là vượt đèn đỏ khi cảnh sát giao thông lơ là. Và đương nhiên, khi tất cả đều muốn đạt được mục đích của mình bất chấp cả luật lệ, bất chấp cả lợi ích của cộng đồng thì tắc đường xảy ra là điều tất yếu.

Chúng ta đã nói quá nhiều về văn hóa giao thông, văn hóa đi đường nhưng thực ra, quá ít người trong chúng ta hình thành được thói quen và văn hóa đó. Sự gia tăng về số lượng các loại phương tiện giao thông là minh chứng cho một xã hội phát triển. Chúng ta chuyển từ xe đạp lên xe máy, rồi lên ô tô- nhưng một bộ phận không nhỏ của cộng đồng không chịu “lên đời văn hóa”. Chúng ta vẫn mang thứ văn hóa của xe đạp vào nền văn hóa của những người đi xe máy. Và tắc đường chỉ là một trong những hậu quả của việc văn hóa tham gia giao thông không cân xứng với một nền giao thông đang thay đổi với tốc độ chóng mặt.

Một nền văn hóa khi phát triển đến đỉnh điểm của nó với tất cả những thành tựu rực rỡ nhất của nó và tiến bộ hơn so với cái đã có thì nó được gọi là văn minh. Nghĩa là khi xã hội ngày càng phát triển thì con người ta sẽ càng tiến gần đến văn minh hơn. Thế nhưng trong trường hợp này, văn hóa đối phó xâm thực vào ý thức cộng đồng vô tình đã tạo ra một tác động ngược: Nó hình thành nên một thứ văn minh chậm, đi ngược lại với sự phát triển.

Lợi ích của cá nhân bao giờ cũng gắn chung với lợi ích của cộng đồng. Do vậy, lợi ích bao giờ cũng phải được gắn chặt với tính hệ thống và tính bền vững. Văn hóa đối phó trong nhiều lĩnh vực của xã hội đã đi ngược lại nguyên tắc này và hậu quả của nó chúng ta đang thấy rất rõ. Chúng ta đang phải trả giá cho những hành động chỉ biết đến lợi ích cá nhân mà không màng đến lợi ích của cộng đồng và sự bền vững.

Tất cả những vấn đề của xã hội hiện đại là minh chứng rõ ràng nhất của sự phát triển. Xã hội càng phát triển nhanh thì sẽ càng nảy sinh những vấn đề đi cùng với sự phát triển đó. Quy luật này không thể loại bỏ. Chỉ có điều con người ứng xử với nó như thế nào. Chúng ta có thể cấm đăng kí xe máy, có thể đưa ra phương án đi làm lệch giờ… Thế nhưng nếu chúng ta không chịu thay đổi tư duy, không học cách “lên đời văn hóa” và loại bỏ đi thứ văn hóa đối phó thì chúng ta sẽ tự làm tắc, tự cản trở con đường đến với văn minh và phát triển.

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2008

Ý tưởng !

Trưa 17/1/2008, nhân Đỗ Đình Nghĩa (Cơ khí ô tô K13) ra Hà nội có một số công việc. Nghĩa gọi điện được một số anh chị em là cựu sinh viên của Trường ĐHGT đường sắt – đường bộ HN trong những năm đầu 70, đến gặp nhau tại quán bia CLB Quân đội tại đường Hoàng diệu.
Tại đó có Dũng “Igo”, Nghĩa, Bình (nữ) lớp ôtô K13, Việt Hằng MXD K13, Hòa “béo” Toa xe K14. Mọi người rất vui khi gặp lại nhau sau 30 năm ra trường. Vừa uống bia, vừa nói chuyện, ôn lại những chuyện từ thời còn là sinh viên và hỏi thăm nhau về cuộc sống hiện tại. Giữa lúc đang vui chuyện, thì anh Thịnh (cán bộ đi học) lớp ôtô K13 cũng đến tham dự. Nghĩa nêu vấn đề: Khoảng hơn 10 năm nữa, lúc đó anh chị em ta đã hơn 60 tuổi sẽ rất có ít điều kiện để gặp nhau, nên có một nơi có thể gặp nhau hàng ngày để trao đổi thông tin về cuộc sống của nhau, thậm chí là nơi mọi người có thể “buôn chuyện” với nhau thường xuyên. Từ ý tưởng đó, nhờ ứng dụng của IT mọi người nhất trí tạo một trang tin (blog) của các cựu sinh viên trường ĐH giao thông đường sắt và đường bộ Hà nội trong thời kỳ những năm 70, thế kỷ 20.

Đúng là lâu ngày gặp nhau, vui chuyện mặc dù hết cả bia hơi mọi người vẫn mải nói chuyện đến gần 5 giờ chiều mới giải tán, về với công việc thường ngày của mình. Hẹn gặp nhau trên blog.

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008

Thông báo !

Thể theo nhu cầu của nhiều bạn là cựu sinh viên Trường Đại học giao thông đường sắt và đường bộ Hà nội, những năm đầu thập kỷ 70. Muốn nơi đây, là nơi gặp gỡ trao đổi thông tin, chuyện trò hàng ngày và trong cuộc sống. Mục đích vui, học hỏi, tôn trọng lẫn nhau cùng ôn lại những kỉ niệm ở Trường và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mọi người có thể đọc và góp lời vào bài có trên blog, bằng cách nhấp chuột vào chữ "nhận xét" ở phía dưới mỗi bài viết. Chú ý: bài và nhận xét không được vi phạm về Pháp luật và Văn hoá Việt Nam. Rất mong các bạn tham gia và ủng hộ.
BBT