Thứ Ba, 27 tháng 1, 2009

Dưỡng tâm - Tích đức

I/Dưỡng tâm
1/Ba nhớ
Nhớ rằng mình là người bình thường. Luôn tự coi mình là người bình thường làm cho lòng ta thanh thản. Người ở cương vị càng cao mà biết tự coi mình là người bình thường thì càng được kính trọng. Đối với một số người điều này là không dễ, bởi vì ngay một anh binh nhì cũng vẫn có thể ngạo mạn khinh người y hệt một vị tướng tài ba mắc chứng công thần. Nếu ta là người bình thường thì trên đời này chẳng có gì quan trọng lắm! Vậy thì ta cứ ung dung tự tại, sống cuộc sống của mình, làm những việc phải làm. Chúng ta thường nghe nói: "Cái khó nhất ở đời là biết dừng ở chỗ nào" và " Cái cần thiết nhất là biết mình". Người luôn nhớ mình là người bình thường sẽ dễ "biết mình" và cũng dễ "biết dừng".
Nhớ rằng mình phải là mình. Hễ cứ cố sống khác mình đi một chút thôi thì lòng ta đã không thanh thản. Hãy sống hồn nhiên như mình vốn có. Không đạo mạo, cũng không lên gân, lên cốt, là cách sống hợp với tự nhiên, vì cuộc sống không thể lúc nào cũng căng như một dây đàn đúng giọng. Mình phải là mình bởi không ai có thể thở bằng hơi của người khác. Có thể và cần phải học ở người khác rất nhiều điều, nhưng phải có cái của riêng mình để góp phần làm cho cuộc sống này đẹp hơn vì có sự đa dạng, vì không ai giống ai!
Nhớ rằng mình có thể sai. Tính có thể sai là bản chất của tri thức khoa học. Một học thuyết hay lý thuyết không chứa trong mình khả năng kiểm chứng thử - sai, chưa phải là một học thuyết ( lý thuyết) khoa học. Nữa là một con người trần thế, làm sao mà ta có thể luôn luôn đúng trong nhận thức cũng như trong thực hành. Bệnh hiếu thắng - vị thuốc độc trong quan hệ giữa người với người - bắt nguồn từ ý thức cho rằng mình không thể sai. Bệnh hiếu thắng luôn làm cho lòng mình không bình yên...
2/Ba quên
Quên tuổi tác. Tuổi tác đôi khi làm ta bận lòng. Cái vòng "sinh, lão, bệnh, tử" ai mà thoát khỏi. Càng già càng hay có vấn đề về sức khoẻ. Thường thì mãi đến lúc luống tuổi ta mới thấy sức khỏe là quý giá. Khi ngoài kia là trời xanh lồng lộng, nắng gió lung linh mà ta ngồi đây bất lực, mới thấy hối tiếc một thời trai trẻ vung phí sức lực một các liều lĩnh và dại dột. Rất may là chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, tuổi thọ của con người sẽ ngày càng cao hơn. Sắp đến rồi ngày mà: "Sáu mươi tuổi vẫn chưa già. Bảy mươi tuổi vẫn còn là trung niên". Hạnh phúc thay là có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể khoẻ mạnh. Vậy thì hãy quên đi tuổi tác. Sống vui, sống khoẻ để thanh thản tâm hồn.
Quên bệnh tật. Bệnh tật thường dày vò ta. Thế nên trong cuộc đời thường thì ta phải sáng suốt nhìn nhận tình huống nào là có thể tránh khỏi để dũng cảm vượt qua, tình huống nào là không thể tránh khỏi để bình tĩnh cam chịu. Đối với bệnh tật cũng vậy, đã lỡ mang bệnh tật rồi thì hãy gắng quên đi: hãy vui sống mỗi ngày bằng những công việc thường nhật có ích cho chính mình, cho những người thân yêu và cho đời.
Quên hận thù. Chỉ có những người giàu lòng vị tha mới biết quên thù oán. Họ không quá buồn phiền, oán giận khi nhận thấy ai đó quanh ta tỏ ta ích kỷ, vụ lợi, tráo trở hoặc vô ơn, bạc nghĩa. Họ ý thức được rằng trong bản chất tự nhiên của con người bình thường đều có thể có những "điều ác" ấy. Lòng nhân hậu, tính cương trực và thói quen nhớ ơn kẻ khác chỉ có được ở những con người có giáo dục. Họ thường nhắc nhở ta hãy độ lượng, hãy cố biện minh cho người khác mỗi khi ta bất bình. Và như vậy lòng mình sẽ thấy nhẹ nhàng hơn...
(Trích bài của GS Chu Hảo - Dân trí )

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2009

Phong trào ...đi đâu

Các Cụ , các bạn đâu hết rồi ... quay lại với Blog đi
Năm mới Kỷ Sửu chúc các Bạn Sức khoẻ - An khang - Hạnh phúc

Bình về cái sự ăn

Nhân dịp Tết - Phiếm đàm về cái sự ăn
Đối với động vật và thực vật, ăn là để tồn tại và phát triển. Không ăn thì…”Thánh cũng không sống nổi!”.
Cây cỏ cũng phải ăn, cho dù thức ăn là đất, là phân - Vậy hiển nhiên: “Ăn để mà sống” rồi! Ấy thế mà vẫn có người nói “sống để mà ăn!”. Đúng, sai thế nào, đến nay, cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ.
Ăn tưởng là việc đơn giản, ấy vậy mà phải học đấy. Người xưa dậy rồi: Miếng ăn được coi là “ngọc thực”, nhưng cũng có khi là “miếng nhục”! Ăn uống phải cho đàng hoàng, không nhai nhồm nhoàm, càng không “phùng mang trợn má” ăn lấy được. Phải chín chắn ngay cả trong việc ăn, đừng có “ăn sổi ở thì”. Miếng ăn còn phải sạch sẽ, “ăn chín uống sôi”, chớ “ăn sống ăn sít”. Có kẻ “ăn như mèo ăn”, nhưng cũng có người “ăn hùng hục như hổ đói”. Có người mời “gẫy đũa, gẫy bát” không chịu ăn; nhưng có kẻ cứ thấy đâu có ăn là sa vào liền, “tự nhiên như ruồi”!

Bên cạnh người “phàm ăn”, bạ gì cũng ăn; thì cũng có kẻ “kén cá chọn canh”. Có kẻ “ăn hoang phá hại”; lại có người có tiền có của đấy, nhưng vẫn ăn dè ăn sẻn, dành dụm phòng lúc khó khăn. Có người khi ăn cũng luôn nghĩ đến người khác: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, thấy nồi cơm đã vơi, thì dẫu bụng còn đói, vẫn hạ bát “vô phép các cụ, cháu ăn đủ rồi ạ!”; nhưng cũng không ít kẻ mặc thiên hạ, cứ một mình “chén tì tì”, “chén thủng nồi trôi rế”… - Tất cả đều là do tính cách, đạo đức con người tạo nên cả.
Cùng ăn chung một bữa tiệc, vậy mà nhiều khi vẫn có kẻ “ăn trên ngồi trốc” đấy - mâm của người thường gọi là “đại trà”, mâm của kẻ quyền chức, gọi là “vip”. Thế cho nên đã từng xảy ra chuyện, có thực khách đã xô ghế, văng tục bỏ về, khi phát hiện ra mình bị xếp ngồi mâm đại trà - “một miếng giữa làng” mà!
Lại có cả cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” nữa. Một gia đình nông dân, suất ăn hàng ngày chỉ đáng mươi ngàn đồng Việt Nam; ấy vậy mà có những “đại gia” sang Căm-pu-chia đánh bạc, mất một lúc vài chục ngàn đô la Mỹ, vẫn thản nhiên tiếp tục đi chơi… gái để giải hạn!
Cũng gọi là “Ăn”, nhưng lại không hề… nhai bằng răng. Không dùng răng nên ăn rất khỏe, rắn mấy cũng ăn, to mấy cũng cố nuốt. Đó là cách dân chúng “hình tượng hóa” cái tệ nhận hối lộ. Kiểu ăn này thì diễn ra quanh năm, nhưng sôi nổi nhất, táo tợn nhất, vẫn là dịp Tết, từ Tết Tây đến Tết Ta. Kinh tế suy thoái ở đâu, chứ không thấy ở cái kiểu “ăn” này! Về nguyên lý, thì người ta chỉ ăn khi đói. Nhưng rất nhiều “quan” ăn cả lúc no (mà họ thì có lúc nào không no?), thế mà chả bao giờ bị bội thực cả!

“Ăn” như vậy, cũng có sự phân biệt đấy: có loại ăn “sang”; không sang không ăn. Không ăn không phải là không ăn. Cứ chịu khó lo liệu đưa thật nhiều hơn nữa, thể nào “quan” cũng ăn. Không ăn, kẻ kể chuyện này xin cứ đi đầu xuống đất! Có loại ăn không sang, nhất là “quan” sắp về vườn thì phàm ăn và tạp ăn lắm. Bạ gì cũng ăn; sạch bẩn, to nhỏ, sang hèn; ăn tuốt! Ăn của thằng có tóc đã đành, nhưng thằng đầu trọc có việc tìm đến quan, thì dù nó chỉ có cái khố rách, mà rơi vào đúng lúc cần “tận thu”, “quan” cũng ăn. Các quan tham thường ngậm miệng mà ăn, nhiều khi ăn rất lớn mà vẫn “kín như bưng”. Thánh lắm! Người thường không dễ gì bắt chước được đâu. Cơ quan phòng chống tham nhũng cũng không dễ gì có được chứng cớ quả tang !

Trong cuộc sống, còn tồn tại khá nhiều kiểu “ăn” mà không phải ăn: như “ăn hiếp”, “ăn chặn” - kiểu hành xử bắt nạt người yếu (yếu lực hoặc yếu thế) của bọn côn đồ; như “ăn không nói có” hoặc “ăn có nói không” nhằm mục đích hại người lương thiện. Các quan tham hay có thói “ăn có nói không” lắm. Chứng cứ rõ mười mươi, quan vẫn chối bỏ… không “ăn”. Bí quá thì đổ tội đó cho phu nhân (đã có vị dùng cách ấy mà thoát mọi tội lỗi đấy, bởi “ai làm nấy tội”, quan tuy là chồng nhưng từ lâu đã ly thân, nên không thể chịu trách nhiệm! Đúng quá đi chứ, trường hợp như thế mà bắt quan chịu trách nhiệm thì oan ức cho quan quá, còn đâu là sự công minh chính trực nữa?!.)
“Ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? - Phải chăng, chính là hai quan niêm này đã chi phối những hành vi “ăn” kể trên, của mỗi người chúng ta? Ngày Xuân, trước mâm cỗ Tết, xin lạm bàn đôi điều quanh cái sự ăn, cũng chỉ nhằm góp chút hương vị trào lộng cho không khí bữa ăn. Tuyệt không có ý gì khác, xin thưa!...
( Trích Dân trí .com)