Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2008



Một gốc cây lạ, lá giống như cây bông giấy.

Thư giãn cuối tuần.

Cây giống cây Sanh, Si bên mình, không biết người ta ghép kiểu gì và bao lâu mới được như vậy.

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2008

Văn hoá Chửi

Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi sao chưa có nhà văn hoá nào nghiên cứu về cái sự “Chửi” nhỉ ?. Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, thử mở “Từ điển Lạc việt năm 2002”, tra hú hoạ chữ Chửi xem sao. Đây là cuốn từ điển Việt Anh, mà lại dùng cho máy vi tính, tôi nghĩ, có lẽ chẳng có chữ ấy đâu, may lắm thì có một chữ Chửi đơn giản là cùng.

Tôi nhầm! Các từ về Chửi xếp đầy một trang màn hình !
Này là Chửi mắng, Chửi bới, Chửi đổng, Chửi nhau, Chửi rủa, Chửi thầm, Chửi thề, Chửi tục! Lại còn Chửi bâng quơ, Chửi vu vơ, chửi thậm tệ! Chưa hết, có cả Chửi bóng Chửi gió, Chửi chó mắng mèo, Chửi như tát nước, Chửi như vặt thịt, Chửi vuốt mặt không kịp nữa! Ngần ấy chữ Chửi đều có những động từ hay cụm từ tiếng Anh tương ứng. Hoá ra người Anh người Mỹ họ cũng chua ngoa, cũng điên tiết gớm chứ đâu có vừa (nhưng các “đế quốc to” ấy nhất định thua xa mình về cái khoa Chửi, kể cả Chửi đáng khen và Chửi đáng chê).
Cuốn từ điển còn thiếu một khái niệm Chửi tối quan trọng : Chửi như mất gà ! Rất may, tìm mãi mới thấy cụm từ Chửi này có trong từ điển Việt Hoa của Khổng Đức.
Nhưng rốt cuộc thì từ điển gì, chữ nghĩa gì cũng thua bà cô tôi hết, một người dân quê không biết một chữ quốc ngữ bẻ làm đôi……Đọc tiếp

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

Tiếp - tản mạn SG-HN

Một nhịp của toàn cầu hóa chính là việc tự kiến tạo bản sắc của mỗi người hay từng nhóm người qua sinh hoạt, tiêu dùng, dựa vào những nhãn hiệu, thương hiệu tự chọn, tự chế biến. Tính cách xuyên vùng văn hóa là một trào lưu không tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, tôi tin rằng nhãn hiệu Sài Gòn có vẻ như được dùng để mô tả những gì có phần mới lạ, hiện đại hơn những thứ vịt gà hay cơm cháo kể trên.
Nó nằm trong dòng trở lại những cái tên thời Pháp, thời Mỹ mà người nước ngoài dùng để đặt cho khu vực này. Cứ để ý sẽ thấy những chữ như Indochine, thậm chí Tonkin hay Orient nay được dùng khá nhiều trong mảng liên doanh, đầu tư du lịch.
Nhưng cách dùng hai từ Sài Gòn không chỉ có vậy.
Theo tôi, trong trái tim người Hà Nội và những người mang tâm thức Bắc Hà chân chính, Sài Gòn luôn chiếm một vị trí đầy tình cảm. Cảm giác vừa tự hào vì đó là miền đất cha ông gây dựng được, vừa thương, vừa nể, vừa mặc cảm có lỗi gì đó với Sài Gòn, nhất là vì giai đoạn sau 1975, luôn bâng khuâng trong tâm trí.
Kể từ thời Pháp, rồi sang đến thời đất nước bị chia làm hai, Sài Gòn là nơi người Bắc hướng đến.
Cảnh Sài Gòn nhìn từ một cao ốc gần trung tâm thành phố
Trong làn sóng mở cửa, người Hà Nội, cả gốc Hà thành và những người đến sống một hai thế hệ nhưng hấp thụ văn hóa Thăng Long, đã và đang chứng kiến một cuộc xâm nhập ào ạt, nóng hổi thời Đổi Mới của quan chức và người dân các tỉnh. Lúc đó, họ lại càng thầm thông cảm với tâm trạng của người Sài Gòn sau 1975.
Bây giờ dù mức sống hai thành phố đã không còn khoảng cách xa như thập niên 70, với người Hà Nội thì Sài Gòn xưa và nay, vẫn đậm chất Pháp, chất Mỹ và nét miền Nam ngày trước.
Với cả nước, đây vẫn là cửa ngõ lớn nhất hướng sang Hoa Kỳ vì chỉ người Sài Gòn mới thực sự có liên hệ gia đình đông đảo với khối Việt Kiều ở Bắc Mỹ, còn quan hệ với Phương Tây của Hà Nội vẫn nặng tính quan chức, ngoại giao.
Nhưng cũng phải nói rằng trong tình cảm dành cho Sài Gòn, người Hà Nội cũng có đôi điều ghen tị pha lẫn tự hào riêng về phong cách người ta cho là thuần Bắc.
Ý thức hệ cộng sản - tư bản và cuộc chiến vài chục năm trước giữa hai chính thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc hai thành phố. Chính vì thế, người ta đã phản ứng mạnh trước những lời chê bai Hà Nội một cách thô ráp của một cô bé blogger từ Sài Gòn ra hồi 2007.
Chính trị Việt Nam là chính trị Hà Nội và sẽ còn như thế trong nhiều năm tới. Nhưng theo tôi, sự cạnh tranh, đi cùng giao lưu giữa hai đô thị này sẽ còn tăng, với Sài Gòn trở thành một điểm đối trọng quý báu và cần thiết.
Và như sự trở lại Hà Nội một cách tự nhiên của cái tên Sài Gòn cho thấy, việc xích lại gần nhau không đến từ những mệnh lệnh chính trị, mà từ sinh hoạt của người dân, từ các dòng chảy của văn hóa của ẩm thực sôi động.
Ra phố Vọng buổi tối, thấy tấm biển sáng choang "Tẩm quất Sài Gòn" thì tôi cũng "choáng" luôn. Đấm bóp kiểu Sài Gòn là kiểu gì thế, có đê mê hơn kiểu Thanh Hóa hay Nghệ Tĩnh? Hai chữ Sài Gòn đã đi vào tận da thịt người Hà thành thế này thì chỉ còn cách ngả mũ chào sức sống dân gian!

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2008

Sức nén ngôn từ

Để khen nhau mà nói “hơi bị đẹp đấy” thì đã lạ rồi, nhưng tấm tắc khen nhau “hơi bị đểu đấy” thì các cụ nhà ta sống lại chắc không tài nào hiểu nổi bọn con cháu định nói gì.

Bởi nó “ngược đời” !
Bởi đó là kiểu ngôn từ đã bị lộn ngược !

Thứ ngôn ngữ lộn ngược này, tuỳ theo tạng của mỗi người, ta có thể thích hoặc không thích, nhưng sự tồn tại một cách rất có sức sống của nó khiến tôi giật mình. Hegel chẳng nói : cái tồn tại là cái có lý đó sao ?

Mà có lý thật.

Hãy nói về chữ “Bị”. “Bị” vốn là một từ biểu hiện ý niệm thua kém, tiêu cực, như bị thua, bị xấu, bị lỗ vốn, bị khinh … Nhưng nay lại có “bị đẹp” , “bị ngon” , “bị tuyệt vời” … thì thật trái khoáy !. Lạ nữa là nếu thêm một từ chỉ sự hạn chế như “hơi” (nghĩa là chỉ một chút thôi) thì giá trị muốn khen lại còn tăng lên gấp bội. Hơi bị đẹp là rất đẹp. Hơi bị tuyệt vời là tuyệt vời vô cùng….. Đọc tiếp ở đây

Tản mạn về Hà nội và Sài gòn

Trên chuyến bay ra Bắc, tôi mở tạp chí Heritage của Vietnam Airlines ra đọc và ngạc nhiên thấy địa danh Sài Gòn được dùng rất tự nhiên, như thể đấy mới là tên gọi chính thức của đô thị lớn nhất Việt Nam.
Không kể bài về khu Nam Sài Gòn, các bài khác về chủ đề văn hóa, xã hội đều gọi Sài Gòn một cách bình thường. Thậm chí có bài song ngữ, phần tiếng Việt viết "Sài Gòn" còn bản tiếng Anh lại để là TP Hồ Chí Minh.
Ra đến Hà Nội, ngồi lên taxi thấy ngay trước mặt dòng chữ "Taxi Sao Sài Gòn" và nghe người lái hỏi: "Anh ở Sài Gòn ra?". Đi qua ga Hàng Cỏ thấy dòng chữ chạy trước mắt trên bảng điện tử: "Tuyến tàu Hà Nội - Sài Gòn".
Ta đi Sài Gòn
Gần như chính thức cái tên Sài Gòn cũng trở lại mặt báo, trên truyền thông, trong giao thông công cộng. Chỉ có đi máy bay thì vẫn nghe đều đặn "Hàng khách đi chuyến bay VN...đi TPHCM ra cửa số...".
Phải chăng tàu hỏa thì bình dân hơn nên dễ "Sài Gòn hóa" hơn phi cơ vốn nhiều quan chức bay đi bay lại? Nhưng ra khỏi Việt Nam hay bay về nước thì lại thấy ngay ký hiệu chuyến bay từ lâu nay vẫn là SGN. Lịch sử quả là kỳ lạ.
Thực ra, theo tôi biết, việc dân chúng sống ở phía Nam và nhất là trên địa bàn TPHCM đã có những cách dùng hai chữ Sài Gòn hay gọi tên thành phố này theo kiểu riêng của họ từ lâu nay.
Nhưng tại Hà Nội, việc Sài Gòn trở lại trong ngôn ngữ và báo chí, văn hóa có phần mới và đậm nét đáng chú ý.
Nếu để ý kỹ thì sẽ thấy việc dùng cách tên ngoại tỉnh hay ngoại quốc ở Hà Nội là một trào lưu có từ mấy năm nay.
Hà Nội nay đang mở rộng ra nhiều vùng phụ cận
Tâm lý "thương nhớ đồng quê" - một chỉ dấu về gốc tích làng xã của nhiều người sống ở thủ đô, được thể hiện trong các biển hiệu: "Gà đồi, lợn Mán, cơm quê", "Vịt Lạng Sơn", "Gà Mạch Hoạch", (có chỗ viết là Mạnh Hoạch), hay các món "cơm niêu", "cháo cá".
Rồi gần thì bánh cuốn Thanh Trì, rượu làng Vân, xa thì quán Huế, phở Nam Định, mì Quảng...cũng Việt Nam ta cả thôi nhưng nghe cũng khoái khẩu ra phết. Xa và lạ hơn chút nữa thì "Lẩu Tứ Xuyên", "Bia Đức, Xúc-xích Tiệp" đủ kiểu.
Ngoài ra, cứ ngồi trên taxi lúc kẹt xe mà nhìn biển phố thì còn thấy đủ kiểu cách ghép thương hiệu, biển hàng pha trộn Âu-Á hoặc chơi nguyên tiếng Anh, tiếng Pháp. Nào Cà phê Honey, Laptop Khoa Nam, Phở Bò nằm cùng Games Online.
Còn tiếp ...

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2008

Giới thiệu sách (chưa biết bao giờ đăng được) đang có tính thời sự cao

Nhà văn Nguyễn Khải trước khi mất đã viết 2 tùy bút chính trị: “Đi tìm cái Tôi đã mất vào năm 2006. Ông viết cho bản thân ông và cho gia đình, viết để đấy chứ biết rằng làm sao đăng được. Đến 2007 ông lại cố gắng viết thêm, vì … một tùy bút nữa là “Nghĩ muộn”.

Tháng 5 vừa qua trên mạng mới xuất hiện “Đi tìm cái Tôi đã mất” – tôi đang đọc và muốn chia sẻ cùng các bạn.

Xin giới thiệu: Đi tìm cái tôi đã mất, 2006

Tuỳ bút chính trị của nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008). Cập nhật : 06/05/2008

Và sau đây là nhận xét của ông Vương Trí Nhàn:

Văn học Văn học Việt Nam

16.6.2008 Vương Trí Nhàn

Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải

Tôi biết rằng nhiều người có cách nghĩ tương tự như Dương Tường khi đọc Đi tìm cái Tôi đã mất - Tùy bút chính trị của Nguyễn Khải (xem bài phỏng vấn trên talawas số ra 11-6-08). Và tôi tin chắc ở dưới suối vàng, tác giả Xung đột cũng muốn người đọc và đồng nghiệp nghĩ về mình như vậy.
Nhưng với tôi, tác phẩm này gợi ra những suy nghĩ khác, xin sơ bộ trình bày như sau…

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2008

Có bao nhiêu cửa ô của Hà nội - tiếp

Từ đời nhà Nguyễn. Sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX cho biết Hà Nội có 21 cửa ô. Song, sách này lại không kể đầy đủ tên 21 cửa ô kia.
Phải đợi đến năm 1831, khi hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng bản đồ Toà thành Hà Nội, mới thấy ghi lại vị trí và tên 16 cửa ô: ô Yên Hoa nay là ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên, ô Yên Tĩnh nay là ngã ba đê Yên Phụ - Cửa Bắc, ô Thạch Khối nay là đầu dốc Hàng Than, ô Phúc Lâm nay là đầu phố Hàng Đậu, ô Thanh Hà nay là ô Quan Chưởng, ô Trừng Thanh nay ở vào khoảng mé phải nhà tắm công cộng Chợ Gạo cũ, ô Mỹ Lộc nay là ngã ba đường Trần Quang Khải - Hàng Mắm, ô Đông An nay là ngã ba Trần Quang Khải - Hàng Thùng, ô Tây Luông nay là Nhà hát Thành phố, ô Nhân Hoà nay là ngã ba Trần Quang Khải - Trần Hưng Đạo, ô Thanh Lãng nay là ô Đống Mác, ô Yên Ninh nay là ngã tư phố Huế - Đại Cồ Việt (tức ô Cầu Dền), ô Kim Hoa ở ngã tư quốc lộ 1 - Đại Cồ Việt (tức ô Đồng Lầm), ô Thịnh Quang nay là ngã tư Hàng Bột - Khâm Thiên (tức ô Chợ Dừa), ô Thanh Bảo nay là bến ô tô Kim Mã, ô Thuỵ Chương nay là khoảng vườn hoa Tây Hồ ở đầu đường Hoàng Hoa Thám.
Như vậy, vào khoảng 1831 Hà Nội có 16 cửa ô. Nhưng đến năm 1866 thì mất một cửa ô. Vì xem bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức thì chỉ còn 15 cửa ô. Mất cửa ô Nhân Hoà. Và nhiều cửa ô mang tên mới: Yên Hoa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luông thành Trường Long, Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào.Khoảng mười lăm năm tiếp theo, cũng vẫn 15 cửa ô, nhưng Yên Định đã đổi ra Yên Ninh, Đông Hà thành Thanh Hà, Trường Long thành Cựu Lâu.
Điều đáng chú ý là phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hông có 11 cửa. Đó là vì các cửa ô chính là các cửa của tòa thành đất bao bọc quanh kinh thành Thăng Long. Ra vào kinh thành tất phải qua cửa ô. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào kinh thành. Song thời đó đường giao thông nối Thăng Long với bốn phương chủ yếu là đường sông, cho nên dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài tập trung ở đây. Vì vậy, phải mở nhiều cửa ô để đi lại được dễ dàng. Hai cửa ô Thanh Hà và Trừng Thanh rất gần nhau vì thời xưa cửa sông Tô Lịch nằm giữa hai ô này. Cho nên tuy gần thế mà là xa cách- cách sông cách đò.
Sau hơn 100 năm, 15 cửa ô kia chỉ còn sót lại một cửa, và trong ký ức của nhân dân chỉ lưu lại tên tuổi của sáu cửa ô mà phần lớn được gọi bằng tên nôm: ô Yên Phụ, ô Quan Chưởng (tức Thanh Hà), ô Đống Mác (tức Lãng Yên), ô Cầu Dền (tức Thịnh Yên), ô Đồng Lầm (tức Kim Liên), ô Chợ Dừa (tức Thịnh Hào). Có một cửa ô nữa đã đi vào ca dao - ô Hàng Đậu, tức Phúc Lâm - nhưng nay không ai nhắc tới nữa./.

Khủng hoảng và giải pháp

"Chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam sau một tháng “hạ nhiệt” đã tiếp tục leo thang cùng sự xuống dốc không phanh của thị trường chứng khoán.

Hệ thống ngân hàng thì mong manh có thể gặp vấn đề bất kỳ lúc nào cho dù Ngân hàng nhà nước luôn khẳng định về sự ổn định. Thị trường bất động sản lại đóng băng.

Tất cả những vấn đề đó chưa nóng bằng những cơn sốt hàng hoá có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, khiến chính phủ “toát mồ hôi hột” dập tắt cũng như công khai nguyên nhân tại sao có sốt...."

Sao đến nông nỗi này?

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2008

Phiếm: Mùa gió chướng

“…Chúng ta bắt đầu buộc phải sống bình thường như thiên hạ. Và cái bình thường hấp dẫn nhất đồng thời cũng là khó khăn nhất chính là làm quen với tư cách của những người sở hữu, nền tảng của dân chủ và cũng là nguồn lực của kinh tế thị trường…” Chưa bao giờ đầu óc bị phân tâm như thời điểm này. Cuộc sống trở nên bề bộn của những chuyển đổi . Mới hơn một năm gia nhập WTO, vừa mới những ngày ngây ngất với những chỉ tiêu vượt trội, nay lần đầu tiên Quốc hội phải biểu quyết hạ thấp những chỉ tiêu phát triển kinh tế mới thông qua, ngón tay còn lưu cái cảm giác tê tê của lần ấn nút cách đây mới chừng nửa năm….Xem tiếp

Dương Trung Quốc

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2008

Có bao nhiêu cửa ô của Hà nội ?

Ô quan chưởng thời nay

Ôquan chưởng thời bao cấp

Hà Nội vui sao
Những cửa đầu ô
Tíu tít gánh gồng
Đây ô chợ Dừa, kia ô Cầu Dền
Làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm...

Các cửa ô Hà Nội đã được nêu trong nhiều tác phẩm văn thơ, âm nhạc. Lời ca bất hủ trên đây trong bài ca Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã làm xao xuyến hàng triệu con tim khi nhắc tới tên các cửa ô của Hà Nội. Nhạc sĩ Văn Cao khi sáng tác bài ca Tiến về Hà Nội đã viết: "Năm cửa ô tiến về". Nhiều người tự hỏi: "Hà Nội có bao nhiêu cửa ô?". Hiện nay, người Hà Nội thường quen kể tên những cửa ô: Yên Phụ, Quan Chưởng, Đống Mác, Cầu Dền, Đồng Lầm, Chợ Dừa.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã có nhiều cửa ô, con số các cửa ô thay đổi theo thời gian. Ca dao Hà Nội không có bài nào thống kê các cửa ô như đã thống kê các phố phường xưa:
Hà Nội ba sáu phố phường Hàng Mắm, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh...
Muốn tìm hiểu đích xác các cửa ô, phải tra cứu trong sách vở, thư tịch cũ. Đây là việc khó khăn. Vì rằng, các sách vở, thư tịch còn lại từ thời Lê trở về trước thảng hoặc mới nhắc tới một vài cửa ô.
Tôi muốn các bạn cùng tham gia tìm hiểu điều này...

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2008

Sông Hồng.


Gió mùa Đông Bắc về.

Sông hồng phía bên kia


Sông Hồng mang đặc tính của từng mùa: khi trong, khi đục. Có người bảo sông Hồng mùa nào cũng đục. Nếu nói như ai đó thì quả là người ấy chưa biết sông Hồng, mới biết qua cái tên của nó. Sông Hồng cuối mùa đông và giêng hai về mùa xuân nước cũng trong. Nhưng chất lượng nước trong sông Hồng Hà Nội không giống bất cứ nước trong của một dòng sông nào. Khi đỏ chói như pha son về mùa lũ, khi phớt hồng như hoa đào về mùa thu, khi mang màu vàng như hoàng hôn, như màu gạch của lũ sông Đà, sông Lô, sông Chảy trộn vào. Về mùa xuân, nước trong pha chút hồng nhẹ như má người con gái phớt nhẹ qua một chút phấn hồng. Ta phải lấy đôi bàn tay chụm vào nhau vục lấy vốc nước mới thấy cái màu đặc biệt không có ở bất kỳ một dòng sông nào. Sông mang tính dữ dội, hung hãn của mùa lũ, dáng lơ thơ, dìu dặt của mùa khô. Suốt cả một chiều dài của thành phố Hà Nội in bóng xuống dòng sông như một bức tranh hoành tráng vĩ đại.

Cuộc sống đời thường xô bồ, nhốn nháo, ít ai có một đôi lần ngắm dòng sông, ngắm cảnh sông mà cảm ơn ông cha ta đã có một tầm nhìn muôn đời, chọn vùng đất mở ra một kinh thành. Là người Hà Nội, ai đã có lần đứng bên này dòng sông ngắm sang bờ bắc và từ bờ bắc ngắm về Hà Nội, hay thong thả bước chân đi dạo trên mấy chiếc cầu để ngắm dòng sông? Phải chăng cách nghĩ, sự thưởng ngoạn tao nhã không mất tiền mua, đó mới là sự giàu có của tâm hồn người Hà Nội thanh lịch. Các cụ ta đã không quên dòng sông có "làn sóng hoa đào"! Thiên nhiên đã dành cho Hà Nội cả một dòng sông để con người xây nên những "lầu cao dễ chạm tới tầng xanh"...". Cha ông ta đã nhìn ra cái thế núi, hình sông, nơi "Rồng cuộn, Hổ ngồi (để) truyền lại cho con cháu muôn đời mai sau...", là chúng ta bây giờ được hưởng.

Quả vậy, nếu biết Hà Nội chỉ để biết cái đẹp trong nội thành, chưa một lần chiêm ngưỡng toàn cảnh sông Nhị với kinh thành, để thấy được tấm lòng và con mắt tinh đời của tổ tiên, phải chăng cũng là có lỗi với người xưa lắm. Phải nhìn từ cái bờ bắc này mới thấy hết: Đêm trăng-sông Hồng-thành phố. Trời! Tuyệt quá! Đúng là rồng đang lên!...". Mấy người bạn cứ ngồi lặng trong đêm nhìn về Hà Nội không biết chán. Suốt từ phía dưới cảng Vĩnh Tuy, phà Đen ngược lên Yên Phụ, cầu Thăng Long. ánh điện lung linh, những ngọn đèn cao áp như những vì sao xanh, những ngọn đèn màu từ trong những cửa sổ nhà cao tầng, ngôi cao, ngôi thấp nhấp nhô như con rồng vàng uốn khúc đang bay lên. Những vì sao trên trời và đèn thành phố chen nhau dưới dòng sông như được làm bằng thạch đen. Những vì sao cho ta cảm giác đó là những bông hoa nhài thả bập bềnh trên sông, vầng trăng là bông hồng vàng đang mở cánh. Ta như cảm thấy dòng sông thơm lên trong đêm, có thể bốc từng miếng thạch đen trong lòng bàn tay mà ăn được. Và chất phù sa đang hoá thạch đen kia đang sóng sánh nâng lên, dập xuống những bông hoa là trăng sao luôn luôn biến đổi khi tỏ, khi mờ bởi những áng mây ra thấp bị gió cuốn chuyển vận trên bầu trời.

Thế kỷ 21 đang tới. Thủ đô Hà Nội chúng ta đang chuẩ bị mừng tuổi thứ 1000 năm khai sinh ra Kinh thành Thăng Long. Những phương án phát triển thủ đô sang bờ bắc sông Hồng đang còn nằm trong trí tuệ và tâm hồn, trái tim những con người yêu đất rồng lên. Sang thế kỷ sau ấy, không những sông Hồng mà cả một vùng sông Đuống sẽ nằm trong nội thành. Những phố phường ven những ngả sông Hồng, sông Đuống, ta chỉ hình dung ra trong trí tưởng tượng thôi, cũng đã thấy Hà Nội ngày mai là một bức tranh rực rỡ trong đầu. Hẳn những quãng sông sẽ mọc thêm những cây cầu mới, cho xe pháo đi về không phải đi vòng lên, vòng xuống những nẻo đường cầu xa nhau. Và những đêm trăng, người bờ nam kẻ bờ bắc muốn dạo gót trên cầu ngắm cảnh trăng sông thủ thỉ tâm tình cùng nhau, hẳn sẽ là cái thú của nhiều người.

Nghe nhạc